“Virus tham nhũng”, nhiều quan chức không thể miễn nhiễm!

15/06/2022 15:12

Tiền mua được mọi thứ trên thế gian dẫn đến lòng tham con người là vô đáy, bất chấp thủ đoạn. Chính vì vậy, nhiều quan chức lớn, có học hàm, học vị, “hiểu luật” vẫn gục gã, giãy chết vì tiền.

truc-loi-cung-viet-a-1655262661.jpgNhững nhân vật chủ chốt trong vụ bắt tay cùng Việt Á nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19 thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng

Mấy ngày qua, cả nước rung động khi hai Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng và nguyên bộ trưởng hai ngành quan trọng bậc nhất cả nước, ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị khai trừ khỏi Đảng, truy tố bắt tạm giam vì vi phạm nghiêm trọng tổ chức Đảng, cụ thể suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, buông lỏng quản lý, biết sai vẫn làm, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.

Vụ việc gây bất bình rất lớn trong dư luận xã hội, làm sói mòn niềm tin của nhân dân vào hai ngành then chốt, khoa học công nghệ và y tế. Quyết định kỷ luật nghiêm minh của Đảng thể hiện quyết tâm thanh lọc một nhóm không nhỏ quan tham suy đồi đạo đức, tư tưởng, rõ ràng không có vùng cấm và ngoại lệ với bất kỳ cá nhân, tổ chức vi phạm.

Tham nhũng trong chống dịch là tội ác

Trước khi bị bắt, quan chức đều là mẫu mực, đảng viên tốt, luôn học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, họ đã trực tiếp, làm tay sai cho tội phạm tham nhũng, gây thất thoát lớn tiền của dân, ảnh hưởng rất xấu đến công tác phòng chống dịch Covid-19, đẩy hàng vạn người dân vào khốn khó, lao đao. Hơn 43.000 đồng bào đã ra đi mãi mãi vì Covid-19. Những đảng viên biến chất đã lợi dụng dịch bệnh, chà đạp lên đồng bào mình, bán rẻ lương tâm cho quỷ đói, tiếp tay cùng Việt Á thao túng vật tư chống dịch để thu lợi bất chính khoảng 4.000 tỷ đồng.

Gần 800 tỷ đồng Việt Á dùng “bôi trơn” đã chảy vào hầu bao của rất nhiều quan tham trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt các “quan lớn” như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc... đã được Việt Á hậu hĩnh “lại quả” cả trăm tỷ đồng.

Nhiều người dân khi được hỏi đều thốt lên: "Họ biếu nhau vài chục tỷ như chút quà mọn, còn người dân thì quá khổ, thậm chí nhiều người chết do suy kiệt dinh dưỡng, không được xét nghiệm, chữa trị Covid-19 kịp thời". Đây không đơn thuần chỉ là sai phạm, "là tội ác”, mà đã gián tiếp hại chết hàng vạn người! Nếu Chính phủ khẳng định “chống dịch như chống giặc” thì những quan tham, cán bộ biến chất vơ vét tiền của chống dịch có thể coi là “kẻ thù của nhân dân”. Xét cho cùng, họ phải đền tội xứng đáng cho những gì họ đã gây ra cho đất nước, cho đồng bào.

nhieu-bo-truong-dinh-sai-pham-bi-ky-luat-truy-to-chi-trong-thoi-gian-ngan-1655262702.png

Nhiều bộ trưởng dính sai phạm bị kỷ luật, truy tố chỉ trong thời gian ngắn 

Học Bác từ đạo lý “diệt sâu mới cứu được cây”

Ngày 5/9/1950, Tòa án binh Tối cao kết án tử hình Đại tá Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục Quân nhu với tội danh lợi dụng chức quyền ăn chơi sa đọa, tham nhũng, nhận hối lộ... Tổng tài sản Châu đã lấy cắp của công quỹ 57.959 đồng, 149 đôla Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng. Khi đó, giá gạo ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn là 50 đồng/kg. 

Trước ngày thi hành án, Châu gửi đơn lên Bác Hồ xin được khoan hồng.

Ông Trần Đăng Ninh đến xin ý kiến Bác.

Chỉ cho xem một cây xoan héo lá, úa ngọn, Bác hỏi: Vì sao cây sắp chết?

Ông Ninh trả lời: Thưa Bác, cây chết do bị sâu đục thân, chảy hết nhựa.

Bác lại hỏi: Theo chú, muốn cứu cây thì phải làm gì?

Ông Ninh trả lời:  Dạ, phải bắt và giết hết những con sâu ấy đi ạ.

Bác gật đầu: Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo.  

“Đêm trắng”, Hồ Chủ tịch ký bác đơn của Trần Dụ Châu và ngay hôm sau bản án được thi hành. Vụ án được đăng đầy đủ, công khai liên tục trên nhiều số Báo Cứu quốc (nay là Báo Đại đoàn kết).

Phát hiện, loại bỏ những con sâu mọt ra khỏi bộ máy lãnh đạo đất nước là việc làm cần thiết, là cách Đảng chặt cành sâu để cứu cây, chặt cây sâu để cứu rừng.

Mới chỉ phanh phui một vụ án xảy ra ở Việt Á mà đã có gần bảy chục cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, cách chức, khai trừ Đảng, dắt nhau xộ khám. Que kit test Covid-19 nhỏ xíu, nhưng đã trở thành “bùa chiếu yêu” cho công tác cán bộ, làm lộ nguyên hình cả một bầy sâu ma quái núp bóng “người đầy tớ” trung thành của nhân dân.

ghe-nong-co-dop-cu-len-ngoi-vao-la-dinh-an-1655262810.jpg

 Ghế nóng có dớp, cứ ngồi vào là dính án

Trước khi bị bắt, lãnh đạo nào cũng tốt!

Hiện nay, việc một lãnh đạo cấp tỉnh, bộ, ngành có tài sản hàng chục, trăm tỷ chỉ là “thường thôi”, “muỗi”. Vậy số tiền tham nhũng trên cả nước lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng không có gì là giật mình.

Ông Chu Ngọc Anh khi bị bắt tạm giam, ngoài tài sản bí mật, chỉ tính riêng căn biệt thự đang ở, giới bất động sản định giá lên tới cả trăm tỷ đồng. Khi được phán kỷ luật rồi, ông này còn “tranh thủ” ký quyết định bổ nhiệm 6 cán bộ!

Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Nguyễn Thanh Long còn “diễn” quá hay, cụ thể: Trả lời tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội ngày 10/11/2021 về tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng lao lý sai phạm trong đấu thầu và mua bán thuốc, ông Long cho rằng: “Đây là những vụ việc hết sức đau lòng. Mặc dù các quy định về đấu thầu đã có nhưng vẫn có vi phạm, tham ô, tham nhũng. Chúng tôi lên án, các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng pháp luật".

Tiếp theo, ngày 5/1, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, ông Long nhấn mạnh: “Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh nhưng không làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong cuộc chiến với dịch Covid-19 suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới”.

Đúng là miệng quan! Hiện tại, ông Long đang “thiền” trong trại tạm giam để suy ngẫm về những gì đã làm và sai phạm sau gần 19 tháng ngồi vào ghế nóng Bộ trưởng Y tế.

Mới đây, sáng 9/6, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nói: "Tôi khẳng định, ngành Giao thông bây giờ không ai dám làm sai, thậm chí, ký tá phải rất cân đong đo đếm để đúng quy định pháp luật".

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Trung Quốc, nguyên đại biểu Quốc hội, cho rằng, ông Thể phát biểu thế là “ngây ngô”. Ngành Giao thông rộng lớn thế ông làm sao khẳng định sẽ không sai, thời trước có sai, thời ông Thể thì không sai sao! Là chính khách không ai phát biểu phi lý như thế!

Trước đó, ông Hồ Đức Phớc từng phát biểu: “Sau kiểm toán, thời gian thu phí của 4 trạm BOT được đề nghị rút ngắn khoảng 5 năm trở lên. Có trạm BOT thời gian thu phí 24 năm, Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm, chỉ thu phí 13 năm”.

Thật khủng khiếp! Ví như trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí bình quân 2 tỷ/ngày, một năm sẽ là 730 tỷ, 10 năm sẽ là 7.300 tỷ. Thật không thể tin các lãnh đạo bộ, ngành, nhà khoa học Việt Nam cố tình hay “ngu ngơ” khi tính sai tới cả nghìn tỷ đồng/dự án BOT. Tiền sai này chảy vào túi ai, liệu ông Bộ trưởng Giao thông có biết không? Có sai không? Ông có dám xử lý không? Chắc là không!

Ông Thể nói như đinh đóng cột: “Xin lỗi, chưa phát hiện có lợi ích nhóm”. Phần đông người dân khi được hỏi đều trả lời “không tin những gì Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói”.

Ông Thể đã có quá nhiều lần “xin lỗi, nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”. Vậy mà, khi đưa ra hội nghị vẫn được tín nhiệm “rất cao”, thử hỏi công tác cán bộ có còn hữu dụng hay chỉ là hình thức? Trách sao nhiều nơi tham nhũng trở thành bầy đàn.

 

Bạn đang đọc bài viết "“Virus tham nhũng”, nhiều quan chức không thể miễn nhiễm!" tại chuyên mục CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#