Cần tính đến xác suất VN-Index hướng về 900 điểm
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Phe bán chiếm ưu thế xuyên suốt phiên giao dịch khiến cho VN-Index lùi sâu về khu vực đáy 975 điểm. Về góc nhìn kỹ thuật, cây nến Black Marubozu được hình thành cùng với việc các chỉ báo vẫn đang hướng xuống tiêu cực cho thấy xác suất VN-Index rơi dưới khu vực đáy 970 điểm và hướng về 900 điểm là cần được tính đến nếu lực cầu vẫn chưa trở lại.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn quan sát, nâng cao tỷ trọng tiền mặt, hạn chế việc bắt đáy sớm khi VN-Index vẫn còn có diễn biến rung lắc mạnh và chưa tạo được điểm cân bằng.
Tạm thời duy trì trạng thái quan sát đối với nhóm bất động sản
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)
Dưới áp lực bán mạnh của nhóm cổ phiếu bất động sản, thị trường giảm điểm ngay từ khi mở cửa. Áp lực bán sau đó lan rộng ra toàn bộ thị trường trong phiên chiều khiến hầu hết nhóm ngành rơi vào trạng thái giảm điểm.
Sắc xanh chỉ xuất hiện hiếm hoi tại các cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm thực phẩm - đồ uống cùng một số cổ phiếu riêng lẻ tại nhóm ngân hàng. Kết phiên, phe bán áp đảo với số mã giảm gấp 5 lần số mã tăng trong đó có đến 224 mã giảm kịch biên độ.
Quan sát đồ thị kỹ thuật, mặc dù vùng hỗ trợ 960-965 điểm tạm thời giữ vững song xu hướng bán lan rộng trong phiên chiều cho thấy tâm lý kém tích cực của nhà đầu tư. Vì vậy, nhiều khả năng nhịp điều chỉnh sẽ tiếp diễn đầu phiên tới, kiểm định lại vùng 960 điểm.
Trong trường hợp lực cung cổ phiếu bán ra được hấp thụ, nhà đầu tư có thể chủ động cơ cấu danh mục, ưu tiên bảo toàn nguồn vốn và chỉ nắm giữ các cổ phiếu đầu ngành. Đối với nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể giải ngân một phần vào các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành không có tính chu kỳ hoặc có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn. Đối với nhóm bất động sản, nhà đầu tư tạm thời duy trì trạng thái quan sát.
Nhiều yếu tố rủi ro bất định
Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)
VN-Index tiếp tục điều chỉnh dưới áp lực bán mạnh với độ rộng tiêu cực khi nhiều mã, nhóm mã vẫn luân phiên chịu áp lực bán mạnh đột biến. Kết phiên, VN-Index giảm 2,2% về mức 975,19 điểm trên giá thấp nhất 962,45 điểm ngày 28/10. Tâm lý ngắn hạn của thị trường lại trở nên bi quan khi xu hướng giảm giá trung hạn vẫn tiếp diễn, tê liệt trong 6 tuần liên tiếp. Nếu tính từ đỉnh giá cao nhất năm 2022 tương ứng 1.536,24 điểm thì VN-Index đã giảm 37%, lớn hơn cả đợt suy giảm mạnh xảy ra do đại dịch Covid đầu năm 2020.
Tuy nhiên hiện tại áp lực bán tháo, giải chấp vẫn gia tăng trong quá trình thị trường giảm điểm, cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới nhiều yếu tố, rủi ro bất định trong thời điểm hiện nay.
Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng thấp, chờ thị trường chung ổn định trở lại và thoát khỏi xu hướng hiện tại; có thể xem xét, lên lại danh mục theo dõi đầu tư, ưu tiên các mã cơ bản tốt, tỉ trọng tiền mặt cao.
Nhà đầu tư chưa nên bắt đáy
Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Thị trường trong nước đang tách biệt với diễn biến tích cực từ thị trường chứng khoán thế giới, do vậy áp lực giảm của thị trường chủ yếu đến từ yếu tố nội tại. Việc thị trường đóng cửa với hàng trăm cổ phiếu giảm sàn và thanh khoản cạn kiệt cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang bi quan dù khối ngoại phiên hôm qua đã quay lại mua ròng rất mạnh nhưng cũng không bù đắp được đà giảm.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index chưa để mất đáy tháng 10 nhưng phần lớn cổ phiếu đã xuyên qua ngưỡng hỗ trợ này, trong đó có nhóm midcap và smallcap. Rủi ro lúc này nằm ở nhóm cổ phiếu bị bán kỹ thuật, đây sẽ là nhóm tín hiệu cho thị trường, chừng nào dòng tiền vào "cân" lượng cổ phiếu dư bán sàn cũng sẽ là lúc thị trường có cơ hội hồi phục.
Nhà đầu tư chưa nên bắt đáy, không dùng margin, có thể đứng ngoài thị trường hoặc trading với tỷ trọng thấp.
Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.