Vụ bê bối tham nhũng rúng động châu Âu có khiến Qatar cắt nguồn cung khí đốt cho EU?

Trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa lắng dịu, vụ bê bối tham nhũng gây rúng động Nghị viện châu Âu (EP) có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới Qatar.
Một phiên họp của Nghị viện châu Âu. Ảnh minh họa: AFP

Một phiên họp của Nghị viện châu Âu. Ảnh minh họa: AFP

Nghị viện châu Âu đang rung chuyển bởi vụ bê bối tham nhũng của Phó chủ tịch EP thuộc đảng Xã hội và Dân chủ Hy Lạp (Pasok) Eva Kaili. Bà Kaili đã bị cảnh sát bắt giữ. Là cựu dẫn chương trình tin tức nổi tiếng ở Hy Lạp và cũng là một trong những nữ nghị sĩ quyến rũ của Brussels, bà Kaili từng được biết đến là một trong những người ủng hộ Qatar mạnh mẽ nhất.

Giờ đây, các nhà điều tra Bỉ đang xem xét cáo buộc Qatar và Maroc đã tìm cách gửi “số tiền đáng kể” và “quà tặng quan trọng” cho các quan chức “có vị trí chính trị hoặc chiến lược quan trọng” tại EP để gây ảnh hưởng đến các quyết định của cơ quan này.

Chưa rõ bà Kaili có liên quan thế nào đến vụ việc trên, nhưng các nhân viên điều tra đã tịch thu tổng cộng 1,5 triệu euro tiền mặt trong các cuộc khám xét một số nơi liên quan đến bà Kaili và những người khác bị bắt. Đảng Pasok đã khai trừ bà Kaili vì bị điều tra tham nhũng.

Vụ bê bối gây chấn động EP diễn ra sau những chỉ trích kéo dài ở EU về việc Qatar đăng cai tổ chức giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2022. Vụ bê bối cũng dẫn đến việc Qatar bị đình chỉ quyền tiếp cận EP.

Chính phủ Qatar đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, cho rằng họ bị phân biệt đối xử và nhấn mạnh Qatar không phải là bên duy nhất có tên trong cuộc điều tra. Nhà chức trách Qatar nhấn mạnh: “Bất kỳ mối liên quan nào của Chính phủ Qatar với những tuyên bố trên cũng đều là vô căn cứ và sai lệch nghiêm trọng”.

Theo trang Financial Times, nhà ngoại giao cấp cao của Qatar cảnh báo rằng việc EU xử lý vụ bê bối tham nhũng gây rúng động EP có nguy cơ “ảnh hưởng tiêu cực” đến vấn đề hợp tác an ninh và các cuộc thảo luận về an ninh năng lượng toàn cầu giữa khối này với quốc gia vùng Vịnh giàu khí đốt.

Ông Cinzia Bianco, nhà nghiên cứu về châu Âu và vùng Vịnh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), cũng nhận định vụ bê bối có thể có tác động trì hoãn mọi động thái hướng tới quan hệ đối tác năng lượng trong tương lai giữa EU và Qatar.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao nắm rõ vấn đề này khẳng định Qatar sẽ không đe dọa cắt nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu, hay chính trị hóa hoạt động xuất khẩu khí đốt.

Vị quan chức Qatar bình luận quyết định áp đặt hạn chế không công bằng trước khi quy trình pháp lý kết thúc sẽ gây cản trở việc đối thoại và hợp tác giữa EU và Qatar, ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề hợp tác an ninh khu vực, cũng như các cuộc thảo luận đang diễn ra quanh vấn đề tình trạng thiếu hụt năng lượng và an ninh năng lượng toàn cầu.

“Qatar có mối quan hệ bền chặt và lâu dài với nhiều quốc gia trong EU và chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn tới những người đã thể hiện cam kết của họ đối với các mối quan hệ này trong làn sóng tấn công hiện nay nhằm vào đất nước chúng tôi”, nhà ngoại giao quốc gia Vùng Vịnh nói thêm.

Theo nguồn thạo tin, các quan chức ở Doha cũng đang chuẩn bị xem xét lại các mối quan hệ với các quốc gia châu Âu, sau khi hàng loạt các phương tiện truyền thông đưa tin tiêu cực và những tuyên bố chỉ trích từ một số chính trị gia.

Qatar đang định vị mình trở thành nhà đảm bảo khí đốt khẩn cấp cho EU. Ảnh: AFP

Qatar đang định vị mình trở thành nhà đảm bảo khí đốt khẩn cấp cho EU. Ảnh: AFP

Qatar là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới và đã tìm cách xây dựng danh tiếng là nhà cung cấp ổn định và đáng tin cậy. Các quan chức Qatar khẳng định quốc gia này chưa từng lạm dụng vai trò then chốt của mình trên thị trường khí đốt toàn cầu để đạt được lợi ích về mặt ngoại giao.

Một trong những minh chứng rõ ràng nhất là khi hứng chịu lệnh cấm vận kinh tế gây thiệt hại nặng nề bởi bộ tứ nước láng giềng, bao gồm cả Abu Dhabi, Doha đã không làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của nước này cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Hơn nữa, vị thế của Qatar trên thị trường khí đốt toàn cầu đã tăng lên sau cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga – Ukraine. Khi đó, các chính phủ châu Âu đã tìm đến quốc gia này để tìm kiếm giải pháp thay thế cho năng lượng Nga.

Tháng trước, Qatar đã thông qua hợp đồng dài hạn cung cấp LNG cho Đức. “Ông vua giàu mỏ” cũng đang đàm phán với các quốc gia khác, bao gồm Bỉ và Vương quốc Anh, về các thỏa thuận tương tự.

Nhà ngoại giao giấu tên của Qatar tuyên bố rằng Doha luôn phân định rõ ràng giữa kinh tế và chính trị. “Các cuộc đàm phán LNG không bị ảnh hưởng bởi chính trị,” nhà ngoại giao này khẳng định.

Trong khi đó, hai quan chức cấp cao của EU nói với Financial Times rằng họ lo ngại vụ bê bối sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của khối này với Doha, có khả năng bao gồm cả quan hệ năng lượng.

“Chắc chắn, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Qatar đã đóng vai trò quan trọng đối với chúng tôi. Quốc gia này đã giúp chúng tôi lấp đầy khoảng trống nguồn cung. Các quốc gia chẳng hạn như Qatar đang ở một vị thế mà họ có thể chọn bên cùng hợp tác”, quan chức này nhận định.

Trong khi đó, người phát ngôn của Chính phủ Bỉ từ chối bình luận về vấn đề trên.

Vụ bê bối tham nhũng cùng những lo ngại về quan hệ giữa EU và Qatar xảy ra trong bối cảnh EU, vừa thống nhất áp giá trần giá dầu Nga vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD một thùng và áp giá trần đối với khí đốt Nga ở mức 191 USD/megawatt giờ. Song dù có thể cản trở Moskva thu lợi nhuận, tiếp tục tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, động thái áp giá trần của châu Âu có nguy cơ hạn chế nguồn cung cho khu vực và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trong báo cáo hôm 19/12, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết việc áp giá trần mà không giới hạn nhu cầu có nguy cơ khiến tình trạng thâm hụt nguồn cung khí đốt của châu Âu tồi tệ hơn, khi khuyến khích tiêu dùng. Việc này có khả năng thắt chặt nguồn cung toàn cầu vào năm 2023, thậm chí còn buộc các chính phủ phải phân phối khí đốt.

Các chuyên gia cho rằng dù cơ chế này có thể kiểm soát giá khí đốt dao động quá lớn, động thái áp giá trần có thể khiến các nhà nhập khẩu LNG ở châu Âu cạnh tranh nguồn cung mạnh mẽ với châu Á từ cùng nhà sản xuất, trong đó có Qatar.