Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở Hải Phòng: Vi phạm nhiều, xử lý ít?

Theo Kết luận của cơ quan chức năng, Hải Phòng có tới 197,4ha đất nông nghiệp bị lấn, chiếm, xây dựng trái phép nhưng việc xử lý sai phạm mới được 0,03%.

Xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp

Như Báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, tháng 7/2021, tại khu đất nông nghiệp rộng hàng nghìn mét vuông mặt đường Kiều Sơn (phường Đằng Lâm, quận Hải An) xuất hiện việc nhóm hộ dân xây 5 căn nhà kiên cố. Theo Chủ tịch UBND phường Đằng Lâm, khu vực các hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp được quy hoạch làm đất giao thông, mở đường trong khu dân cư.

Theo thông tin từ UBND phường Đa Phúc (quận Dương Kinh), năm 2018, UBND phường Đa Phúc cho ông Vũ Minh Tuân (HKTT tại quận Lê Chân) “kế thừa” quyền thuê 2.000 m2 đất công ích trên địa bàn. Thế nhưng đến năm 2020, ông Tuân đã cho xây dựng một căn biệt thự rộng 139m2 với vườn cây cảnh bao quanh.

Đặc biệt, dọc đê hữu sông Lạch Tray, đoạn đê từ cầu Rào 2 (phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) đến khu vực sân bay Cát Bi (phường Tràng Cát, quận Hải An), phía ngoài đê, khu đất trong hành lang bảo vệ đê sông Lạch Tray dài 7- 8 km xuất hiện các biệt phủ, nhà vườn, khu vui chơi giải trí. Những khu đất ngoài đê được một số hộ dân kè bê tông cốt thép xuống lòng sông để bảo vệ các công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất hành lang thoát lũ.

Ngoài việc biến đất nông nghiệp thành biệt phủ, nhà vườn, một số khu vui chơi giải trí như khu du lịch Trường Thành FAM (trên địa bàn thôn Giang Thủy, xã Trường Thành, huyện An Lão), khu du lịch tự phát Big Sun (trên địa bàn thôn Tam Kiệt, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy) cũng được chủ sở hữu các khu du lịch tự phát này sử dụng hàng chục héc-ta đất bảo vệ hành lang đê, đất nông nghiệp làm khu du lịch sinh thái.

Tỷ lệ thu hồi, xử lý thấp

Để bảo vệ, quản lý đất nông nghiệp không bị lấn chiếm, xây dựng trái phép, làm thay đổi mục đích sử dụng đất, ngoài Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, thành phố Hải Phòng đã ban hành quyết định số 19/2019/QĐ–UBND về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo quyết định này, cán bộ công chức địa chính - xây dựng ở xã, phường được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn, tiếp nhận thông tin phản ánh việc người dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lập biên bản vi phạm, báo cáo chính quyền địa phương. Lực lượng thanh tra viên các sở Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có chức trách tương tự. Bên cạnh đó, cán bộ công chức thuộc các Phòng quản lý đô thị (UBND quận), Phòng Tài nguyên và môi trường (UBND các huyện) được giao nhiệm vụ quản lý chuyên môn, trật tự xây dựng.

Thành phố Hải Phòng cũng gắn trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền xử lý phải chuyển hồ sơ, đề xuất chủ tịch UBND cấp quận xử lý... Ngoài ra, lực lượng công an được giao nhiệm vụ giữ an ninh trật tự trong việc cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm; xử phạt hành vi chống đối, cản trở người thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính.

Mặc dù các quy định rất chặt chẽ, đầy đủ trong việc ngăn chặn các hành vi lấn, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng tình trạng đất nông nghiệp bị chiếm dụng, sử dụng trái phép, bị biến thành đất ở vẫn diễn ra với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thống kê, xác định được hơn 194,7 ha đất nông nghiệp bị lấn chiếm, xây dựng trái phép. Trong khi đó, tỷ lệ xử lý, khắc phục hậu quả đạt rất thấp, chỉ bằng 0,03% số diện tích đất nông nghiệp bị lấn chiếm, bị xây dựng trái phép.

Có thể thấy việc để xảy ra vi phạm chậm xử lý như trên, trách nhiệm lớn nhất là của chính quyền cấp cơ sở đã không kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, lãnh đạo trong việc xử lý đối với những vi phạm còn thiếu kiên quyết dẫn đến những sai phạm kéo dài, chậm được giải quyết.