Theo nghiên cứu dẫn chứng Dhaka, Bangladesh, nơi theo kịch bản phát thải rất cao vào năm 2100, số người chết do biến đổi khí hậu có thể tăng gần gấp đôi tỷ lệ tử vong hàng năm hiện tại của nước này do tất cả các bệnh ung thư và gấp 10 lần số ca tử vong do giao thông đường bộ hàng năm.
Trang dữ liệu Human Climate Horizons của Liên Hợp Quốc vừa công bố cho biết: “Do hành động của con người, nồng độ carbon dioxide trong bầu khí quyển của chúng ta đang đạt mức nguy hiểm, khiến nhiệt độ Trái đất cao hơn và làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nếu không có hành động phối hợp và khẩn cấp, biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và phát triển không đồng đều”.
Theo nghiên cứu, kể từ cuối thế kỷ 19, nhiệt độ trung bình của Trái đất đã tăng gần 1,2 độ C, làm thay đổi toàn bộ diện tích bề mặt của hành tinh. Tuy nhiên, hàng tỷ người sống ở các khu vực đã trải qua sự gia tăng nhiệt độ lớn hơn mức trung bình toàn cầu. Chẳng hạn, tại Maracaibo, Venezuela, trong những năm 1990, trung bình 62 ngày mỗi năm có nhiệt độ vượt quá 35 độ C, nhưng vào giữa thế kỷ này, con số đó có thể sẽ tăng lên 201 ngày.
Tỷ lệ tử vong, sinh kế, sử dụng năng lượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề
Dựa trên các phân tích của Báo cáo phát triển con người năm 2020, 2021 và 2022, báo cáo cho thấy, biến đổi khí hậu có thể tác động đến cuộc sống của con người - từ tỷ lệ tử vong đến sinh kế và sử dụng năng lượng.
Nhiệt độ cao hơn và khí hậu ấm hơn gây căng thẳng cho hệ thống tim mạch và hô hấp trên khắp thế giới, nhưng ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy thuộc vào cách các cộng đồng được trang bị tốt để thích nghi.
Dữ liệu cho thấy, biến đổi khí hậu có thể làm tăng tỷ lệ tử vong ở Faisalabad, Pakistan lên gần 67 trường hợp tử vong trên 100.000 dân - gây tử vong nhiều hơn đột quỵ, nguyên nhân khiến số người chết nhiều thứ 3 đất nước.
UNDP cho biết: Nguồn điện có sẵn và nhiên liệu được sử dụng để tạo ra điện, cung cấp năng lượng cho máy điều hòa không khí và máy sưởi đóng một vai trò quan trọng trong khả năng ứng phó với nhiệt độ khắc nghiệt. Tuy nhiên, các tác động của biến đổi khí hậu đối với việc sử dụng năng lượng sẽ khác nhau ở từng địa phương, khi các cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp thích ứng với các điều kiện sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có.
Ví dụ như ở Jakarta, Indonesia, mức tiêu thụ điện do nhiệt độ ấm hơn được dự báo sẽ tăng khoảng 1/3 mức tiêu thụ hiện tại của các hộ gia đình ở Indonesia. Điều này đòi hỏi việc xây dựng kế hoạch cơ sở hạ tầng bổ sung quan trọng.
Nhiệt độ khắc nghiệt thường xuyên hơn cũng ảnh hưởng đến sinh kế, khả năng thực hiện nhiệm vụ và ảnh hưởng đến cường độ và thời gian làm việc. Theo báo cáo, tác động của biến đổi khí hậu khác nhau giữa các lĩnh vực của nền kinh tế và những người lao động trong các ngành có rủi ro cao như nông nghiệp, xây dựng, khai thác và sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thời tiết khắc nghiệt.
Tại Niamey, Niger, trong các ngành như xây dựng, khai thác và sản xuất, nhiệt độ quá cao là nguyên nhân gây ra ít hơn 36 giờ làm việc hàng năm, gây thiệt hại 2,5% cho GDP tương lai của đất nước.
So sánh tác động sức khỏe của biến đổi khí hậu giữa các quốc gia cho thấy một tương lai làm gia tăng bất bình đẳng hiện tại: Trong số các quốc gia G20 - chiếm phần lớn lượng khí thải CO2 tích lũy - một phần ba sẽ phải chịu thêm tỷ lệ tử vong do biến đổi khí hậu. Nhưng con số này đã tăng lên gần 3/4 các nước kém phát triển nhất, làm gia tăng đáng kể sự bất bình đẳng trong những thập kỷ tới.
Cần lựa chọn nền kinh tế hợp lý, thích ứng với biến đổi khí hậu
Do các tác động của biến đổi khí hậu không diễn ra đồng đều trên toàn cầu, nên chúng sẽ tạo ra sự gia tăng bất bình đẳng trong những năm và thập kỷ tới. UNDP hy vọng, thông tin này có thể đẩy mạnh hành động vì khí hậu.
Trang dữ liệu Human Climate Horizons đặt ra nhiệm vụ đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với dữ liệu về các tác động trong tương lai, cung cấp thông tin cho việc ra quyết định và giúp mọi người hiểu được hậu quả của biến đổi khí hậu đối với con người trong các tình huống khác nhau.
Trong khi đó, UNDP cũng vừa đưa ra báo cáo về Thỏa thuận Paris, nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng “cuộc cách mạng xanh”, nếu không sẽ xảy ra nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, bất ổn dân sự, tổn thất kinh tế.
Trước Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) khai mạc vào ngày 6/11 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, báo cáo đã nêu rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi “công bằng và bình đẳng” đến việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu đề ra trong Thỏa thuận Paris.
Ông Achim Steiner, người đứng đầu UNDP cho biết: Báo cáo cung cấp cho người lao động các kỹ năng kinh tế xanh mới và tiếp cận với bảo trợ xã hội, đồng thời bảo đảm các quốc gia vạch ra con đường rõ ràng cho một tương lai không phát thải ròng. Báo cáo cũng cung cấp những hiểu biết thực tế về cách thúc đẩy chuyển đổi công bằng và bình đẳng cho ngành năng lượng.
Bên cạnh đó, báo cáo phân tích cả những cam kết lớn hơn về khí hậu trong ngắn hạn, được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và các chiến lược dài hạn, trong đó các quốc gia đưa ra kế hoạch cắt giảm hoàn toàn phát thải khí nhà kính.
Đáng khích lệ, 72% các quốc gia có NDC cập nhật đang liên kết chúng với các cân nhắc về kinh tế - xã hội, trong khi 66% quốc gia đang đề xuất các hành động và biện pháp cụ thể, bao gồm công bằng khí hậu.