Kỳ 1: Bí ẩn "người nhà hồ" biến ao hồ của công thành "của ông"
Trung bình mỗi người đến "nhà hồ" câu cá phải bỏ ra số tiền từ 300.000 đồng/ca/5 tiếng đến 500.000 đồng/2 ca/10 tiếng. Số tiền thu từ việc biến hồ điều hòa công ích của nhà nước thành hồ câu dịch vụ chui vào túi các cá nhân.
Khoảng 2 năm nay, một số hồ công ích ở Hà Nội được "người nhà hồ" biến thành của riêng, tổ chức câu cá trúng thưởng. Clip: Văn Hoàng - Minh Trọng
Tổ chức thả và câu cá trái phép
Khoảng 2 năm nay, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm người đến câu cá có thưởng trái phép ở một số hồ điều hòa công ích trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tìm hiểu của Phóng viên Báo điện tử Dân Việt cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhóm người tự xưng là "người nhà hồ" tổ chức thả, câu cá có thưởng trái phép tại hồ Thành Công (Ba Đình), hồ Đầm Sòi, hồ Định Công (Hoàng Mai), hồ Thạch Bàn (Long Biên).
Tất cả các điểm tổ chức thả, câu cá có thưởng trái phép đều có một nhóm từ 3 - 5 người đứng ra mua cá (chủ yếu là cá trắm đen trọng lượng từ 7 -15kg và cá chép từ 3 - 6kg).
Nhóm người tự xưng là "nhà hồ" lập những trang cá nhân trên mạng xã hội như Hồ câu Thành Công, Hồ câu Định Công, Hồ câu Đầm Sòi, trên trang có ít nhất 3 số điện thoại, địa chỉ để liên hệ.
Đơn cử như trang mạng xã hội Hồ câu Định Công có gần 5.000 thành viên và gần 19.000 người theo dõi, chủ nhân của trang này ghi rõ số điện thoại để cần thủ thuận tiện liên hệ và ghi đầy đủ giá vé, địa chỉ, thời gian phục vụ.
Đặc biệt là thông tin thả cá, tổ chức các giải câu đều được cập nhật liên tục, khi các cần thủ "báo cá" cũng được phát trực tiếp cho hàng chục nghìn người xem.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người xưng "chủ" hồ Định Công cũng chính là "chủ" hồ Đầm Sòi.
Từ ngày 19/9/2017, UBND TP Hà Nội đã có ban hành văn bản số 8866/VP-ĐT về xử lý việc nuôi, thả cá trên các hồ nội thành Hà Nội. Theo đó, UBND TP Hà Nội nghiêm cấm việc nuôi cá, câu cá, đánh lưới và các hoạt động đánh bắt tự phát khác tại các hồ do UBND TP Hà Nội quản lý.
Ngày 9/8 trên mạng xã hội hồ câu Định Công thông báo "Dự kiến mai hồ bồi thêm 400 trắm đen và xâu lại khuyên để các cụ săn cho rực rỡ. Lịch mở lại sẽ là 6 giờ sáng thứ 7 tuần này ngày 13/8…", và đúng lịch, hồ câu này đeo khuyên, thả cá.
PV đã đến hồ và trực tiếp nghe quảng cáo về "giải" câu cá tại hồ Định Công.
"Dưới này còn rất nhiều khuyên xe wave và khuyên tiền mặt, giá vé là 310.000 đồng/1ca/4,5 tiếng, 500.000 đồng/2ca/9 tiếng. Ngày mai ở đây bắt đầu tổ chức giải, đến 11/9 là thi đấu chung kết với 100 người tham gia" - người đàn ông tên H. chỉ tay về phía hồ Định Công rồi nói với phóng viên.
Trước đó, có một khoảng thời gian hồ câu Định Công tạm nghỉ, nhiều cần thủ đến câu tại hồ Đầm Sòi. Ghi nhận của phóng viên những ngày đầu tháng 8 có rất đông người đến câu, ven bờ hồ gần như lúc nào cũng kín người buông cần. Để thu hút người câu "nhà hồ" thông báo sẽ "bồi" cá vào thứ 4 hàng tuần. Thứ 4 ngày 3/8 nhà hồ thả 120 con cá trắm đen có trọng lượng từ 7 - 9kg.
Tại Hồ câu Thành Công cũng được tổ chức tương tự như Hồ Đầm Sòi và Định Công, mỗi khi nhà hồ thả cá đều được phát trực tiếp trên mạng xã hội để ai quan tâm đến tận nơi xem, chứng kiến cho nhà hồ.
Những hoạt động này tổ chức tại hồ công ích là trái với văn bản số 8866/VP-ĐT về xử lý việc nuôi, thả cá trên các hồ nội thành Hà Nội do UBND TP.Hà Nội ban hành.
Hồ công ích biến thành nơi trục lợi cho cá nhân
Việc thả cá, tổ chức câu cá trái phép tại một số hồ công ích trên địa bàn TP.Hà Nội đã diễn ra khoảng 2 năm nay.
Ghi nhận của phóng viên trong nhiều tháng cho thấy, tại hồ Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội) mỗi ngày có hàng chục người đến câu, ngày cao điểm vào thứ 7 và chủ nhật có thể lên đến hàng trăm người câu cá.
Việc thả cá, câu cá vi phạm quy định tại văn bản số 8866/VP-ĐT của UBND TP.Hà Nội, đồng thời vi phạm cả Nội quy vườn hoa công viên hay nội quy của hồ công ích.
Thậm chí, như ở hồ Thành Công, tấm biển lớn màu xanh chữ trắng ghi rõ nội quy đặt ở cửa công viên trong đó có việc cấm câu cá nhưng "người nhà hồ" vẫn đem cả xe ô tô cá để đổ xuống hồ, tổ chức giải để thu hút các cần thủ.
Việc cần thủ đến câu cá khiến nhiều người dân sinh sống quanh hồ đi bộ tập thể dục, hít thở không khí trong lành mỗi sáng trong khuôn viên công viên không yên tâm.
Bởi mỗi khi các cần thủ vung cần dài hàng chục mét, cùng dây dù hoặc dây cước và lưỡi câu lục nhọn hoắt, với lực quăng của cần trên tay các cần thủ không may lưỡi câu mắc vào người có thể sẽ gây ra thương tích.
Mức độ chuyên nghiệp của "người nhà hồ" cũng đáng kinh ngạc. Ở hồ Thành Công, mỗi sáng, trưa, tối đều có người đứng ra trực, khi có người đến câu sẽ ghi vé, phục vụ nước uống, và thả mồi theo nhu cầu của các cần thủ xuống hồ làm "ổ" mồi nhử để câu cá.
Một cần thủ mắt nhắm, mắt mở, ngáp dài vì buồn ngủ sau một đêm căng mắt nhìn phao sáng mà chưa câu được con cá nào xác nhận với phóng viên: "Một ca câu là 5 giờ đồng hồ giá 300.000 đồng/ca, hai ca là 10 tiếng giá 500.000 đồng. Những người nhà hồ sẽ thu tiền luôn ngay sau khi xé vé bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản".
Những hình ảnh thả cá, câu cá, trục lợi từ hồ điều hòa công ích diễn ra cả ngày lẫn đêm, nhưng nhiều ngày phóng viên có mặt tìm hiểu, quan sát chưa hề thấy bóng dáng của những người được giao quản lý công viên, hồ nước cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn có mặt, xử lý vi phạm nếu có.
Trong khi đó, những tấm biển được đặt trong khuôn viên công viên và mặt hồ thể hiện rõ mặt nước hồ Thành Công đã được giao cho Công ty thoát nước Hà Nội quản lý, vận hành, còn vườn hoa công viên giao cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội quản lý, duy tu, UBND phường sở tại chịu trách nhiệm về an ninh trật tự trên địa bàn phường quản lý.
Tình trạng cũng tương tự diễn ra tại các hồ Đầm Sòi, Định Công cũng có một nhóm người đứng ra thả cá trái phép dù cơ quan chức năng đã cắm biển cấm thả, câu cá, cấm bơi và chèo thuyền...
"Họ cấm thế thôi chứ ngày nào chẳng có mấy chục người đến đây câu, ngày thi giải người ngồi kín quanh hồ. Người nhà hồ cứ thế xé vé thu tiền" - một chủ quán nước ven hồ Đầm Sòi nói.
Đón đọc Bài 2: Người nhà hồ tổ chức câu cá có thưởng trái phép