Chứng khoán: Dòng tiền đang chờ đợi những tác động từ chính sách

Thị trường chứng khoán đang kỳ vọng vào các chính sách mới được ban hành, tuy nhiên những thông tin này tích cực về mặt dài hạn nhiều hơn, nghĩa là phải có độ trễ nhất định.

cac-chinh-sach-can-co-do-tre-truoc-khi-that-su-ho-tro-cho-thi-truong-1683346859.jpegCác chính sách cần có độ trễ trước khi thật sự hỗ trợ cho thị trường. Ảnh: Nguồn CTCK Yuanta

Mặc dù rủi ro trong giai đoạn này không cao nhưng thị trường dường như đã mất kênh tăng giá và đang trong trạng thái tích lũy. Ở cuối phiên giao dịch ngày hôm qua, cũng như những phiên giao dịch gần đây, dù VN-Index có những pha giảm xuống dưới mốc 1.040 điểm, nhưng thị trường đã thêm một lần phục hồi thành công và đây vẫn được xem là ngưỡng hỗ trợ tâm lý khá tốt của thị trường.

Nhìn lại quá trình điều chỉnh của VN-Index từ 1.080 điểm xuống 1.030 - 1.040 điểm, thanh khoản thị trường liên tục giảm, dù có thông tin hỗ trợ là các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Cùng với đó, trạng thái kỹ thuật cho thấy sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, phân hóa hoàn toàn với sự hưng phấn ở một số nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Các blue-chips suy yếu dẫn tới thị trường mất điểm tựa dẫn dắt và biến động khó lường.

Với trạng thái vận động đi ngang kéo dài của thị trường, VN-Index cần có một số phiên điều chỉnh mạnh để mở ra sự nhìn nhận cơ hội của nhà đầu tư và kích hoạt dòng tiền tham gia. Chính sự dè chừng của nhà đầu tư cho thấy thị trường chưa có mức giá đủ hấp dẫn để họ đánh đổi rủi ro, tăng cường giải ngân vào cổ phiếu.

Trong trường hợp xuất hiện các nhịp giảm, trên thị trường cổ phiếu không chỉ là câu chuyện về kỳ vọng, mà còn có câu chuyện về giá trị song hành.

Hiện tại, phần lớn nhà đầu tư đang ở một trong hai dòng trạng thái. Thứ nhất là nắm giữ cổ phiếu chờ ngày “về bờ”. Thứ hai là cầm tiền đứng ngoài chờ cơ hội rõ nét hơn mới tham gia, sau khi chốt lãi hoặc cắt lỗ trước đó. Vì thế, dòng tiền trên thị trường duy trì tình trạng yếu và dịch chuyển nhanh giữa các nhóm ngành, cũng như giữa các nhóm cổ phiếu. 

chung-khoan-1683345209.jpegNhà đầu tư đang quan sát mức độ tác động của chính sách mới lên thị trường. Ảnh: Nguồn CTCK DSC

Nhiều chuyên gia đánh giá dòng tiền trên thị trường chứng khoán luân chuyển nhanh cho thấy chiều hướng ưu tiên giao dịch ngắn hạn của nhà đầu tư. Ngoài dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường và trú ẩn ở những tài sản khác, thì dòng tiền ở lại với thị trường giai đoạn hiện tại chia thành 2 nhóm: nhóm nhà đầu tư dài hạn, mua và nắm giữ cổ phiếu ở mức định giá thấp; nhóm đầu cơ với đặc điểm dòng tiền là luân chuyển liên tục giữa các nhóm cổ phiếu.

Theo TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DGCapital, Sell In May cũng không có quá nổi bật trên thị trường chứng khoán trong nước nhiều năm nay, do đó điều này ảnh hưởng không nhiều mà chủ yếu có ảnh hưởng là các thông tin kinh tế, tài chính trong và ngoài nước.

Dự báo trong tháng 5 thị trường vẫn biến động trong biên độ 1.020-1.100. Tuy nhiên, việc giá có thể phá vỡ biên độ này sẽ quyết định xu hướng tiếp theo của thị trường trong những tháng tới. Dù là hướng nào thì xu hướng trung dài hạn của thị trường chứng khoán nhiều khả năng tích cực dần lên khi mà các thông tin tiêu cực giảm đi hoặc đã phản ánh vào thị trường trước đó, tin tốt xuất hiện nhiều hơn và các nhóm nhà đầu tư như nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức... giao dịch dù chưa thể bằng 2021 nhưng tích cực hơn so với 2022.

Hàng loạt những chính sách vừa được ban hành trong tháng 4 là thông tin tích cực cho nền kinh tế cũng như thị trường tài chính, tuy nhiên những thông tin này tích cực về mặt dài hạn nhiều hơn, nghĩa là phải có độ trễ nhất định. Nền kinh tế và thị trường chứng khoán cần có thời gian để hấp thụ và thay đổi theo hướng tốt dần lên.

Những giải pháp này cũng góp phần cải thiện dòng vốn nhưng vẫn phải cần thời gian nhất định về lâu dài và các dòng vốn đặc biệt những dòng vốn lớn, dài hạn cũng cần thời gian dài hơn để đổ vào thị trường, TS Nguyễn Duy Phương nhận định.