Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/11), khi tình hình Covid-19 ở Trung Quốc phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Giá dầu thô chuyển từ giảm mạnh sang chốt phiên trong trạng thái “xanh” do có thông tin nói rằng liên minh OPEC+ có thể sắp cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 497,57 điểm, tương đương giảm 1,45%, còn 33.849,46 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,54%, còn 3.963,94 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,58%, còn 11.049,5 điểm.
Phiên bán tháo này của chứng khoán Mỹ diễn ra sau khi ở Trung Quốc vào cuối tuần, người dân tại một số địa phương xuống đường phản đối các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt chống Covid-19. Nhà chức trách Trung Quốc những ngày gần đây đã phải siết chặt các nỗ lực chống dịch trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục. Mới đầu tháng, giới đầu tư toàn cầu còn khấp khởi khi Chính phủ Trung Quốc điều chỉnh nhẹ một số biện pháp chống dịch - dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang trên đà mở cửa trở lại.
Tình hình ở Trung Quốc đã gây áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu trong phiên đầu tuần. Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới mất 1,42%. Chỉ số MSCI Emerging Markets của các thị trường mới nổi giảm 1,13%. Giá dầu thô có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Cổ phiếu của các công ty có nhiều hoạt động sản xuất ở Trung Quốc bị bán mạnh. Apple giảm 2,6% sau khi hãng tin Bloomberg nói rằng bất ổn tại một nhà máy ở Trung Quốc có thể khiến “táo khuyết” thiệt hại sản lượng 6 triệu chiếc iPhone Pro trong năm nay.
“Một khi Apple không đáp ứng được đơn hàng iPhone vì nhà máy ở Trung Quốc bị đóng cửa, tôi cho rằng đó là ví dụ hoàn hảo về tình hình ở một quốc gia có thể ảnh hưởng đến những nơi khác như thế nào”, chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu của Crossmark Global Investment, bà Victoria Fernandez, phát biểu. “Khi một thứ gì đó lớn như nền kinh tế Trung Quốc phải đóng cửa, ảnh hưởng sẽ lan rộng khắp thế giới”.
Giới chuyên gia dự báo thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh trong những phiên tới, khi nhà đầu tư “tiêu hóa” loạt dữ liệu kinh tế Mỹ quan trọng dự kiến công bố trong tuần này. Những số liệu này sẽ phản ánh rõ nét hơn tình trạng của nền kinh tế Mỹ, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - dự kiến công bố vào ngày thứ Năm và báo cáo việc làm tháng 11 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Đây đều là những thống kê có ảnh hưởng lớn đến định hướng chính sách tiền tệ của Fed.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang chờ phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức Fed khác để tìm những tín hiệu mới về đường đi của lãi suất trong thời gian tới.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York chốt phiên tăng 0,96 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, đạt 77,24 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại London tăng 0,44 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 83,19 USD/thùng.
Trong phiên, có lúc giá dầu WTI giảm còn 73,6 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2021, và giá dầu Brent có lúc giảm còn 80,61 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 1/2022.
Tính đến tuần trước, giá cả hai loại dầu đều đã giảm 3 tuần liên tiếp. Phiên này, giá dầu tiếp tục đương đầu áp lực giảm từ mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong bối cảnh Covid-19 bùng mạnh ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tin đồn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, sẽ cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào cuối tuần này, đã hỗ trợ giá dầu.
“Được nhắc đến nhiều nhất trong ngày hôm nay là tin đồn rằng OPEC+ đã bắt đầu đưa ra ý tưởng cắt giảm sản lượng vào hôm Chủ nhật tuần này. Điều đó giúp giá dầu đảo ngược cú giảm do tình hình Covid ở Trung Quốc gây ra”, nhà phân tích Matt Smith của Kpler phát biểu.
Trong một báo cáo ra ngày 28/11, các nhà phân tích của Eurasia Group cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu ở Trung Quốc có thể khiến nhóm OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu, sau khi đã công bố một đợt cắt giảm vào tháng 10. “Quyết định này sẽ tùy thuộc vào diễn biến giá dầu khi diễn ra cuộc họp của OPEC+ và mức độ xáo trộn của thị trường sau khi châu Âu chính thức cấm vận dầu Nga”, Eurasia nhận định.
Cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 4/12. Hồi tháng 10, OPEC+ nhất trí trong năm 2023 sẽ giảm dần sản lượng khai thác dầu để tiến tới mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày.
Lệnh cấm vận dầu thô Nga vận chuyển đường biển của Liên minh châu Âu (EU) và trần giá áp lên dầu Nga của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ cùng chính thức có hiệu lực vào ngày 5/12. Hiện EU vẫn đang thảo luận về trần giá này và chưa thể đi đến thống nhất về một mức trần cụ thể.