Chương trình phục hồi kinh tế sẽ tập trung chủ yếu trong 2 năm 2022-2023

Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng Chương trình phục hồi kinh tế khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu năm 2022 và 2023. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, một số giải pháp sẽ phải kéo dài tương ứng.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nội dung của chương trình cho đến nay cũng đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và Chính phủ nhiều vòng.

Trước đó, trong phiên họp Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có bài phát biểu, nhấn mạnh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến một số nội dung sơ bộ của chương trình.

Chương trình phục hồi kinh tế sẽ tập trung chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 - Ảnh 1.

Công cụ để thực hiện các giải pháp của chương trình phục hồi kinh tế chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ. Ảnh: H.Dịu

Nói về các giải pháp được đưa ra trong chương trình, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: 

Thứ nhất là về y tế, liên quan đến các giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế - xã hội được bình thường.

Thứ 2 là an sinh xã hội, nhằm đảm bảo phát triển hài hóa giữa kinh tế - xã hội, nhất là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thứ 3, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, giúp họ có cơ hội phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nguồn lực để phát triển trong tương lai.

Thứ 4, kích thích đầu tư công, theo đó, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, còn thúc đẩy đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Thứ 5, cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bộ KH&ĐT cho rằng, 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch.

Về thời gian của chương trình, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng là khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu trong năm sau và 2023. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, một số giải pháp sẽ phải kéo dài tương ứng. Ví dụ như các dự án đầu tư công quy mô lớn, điển hình là đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến phía Đông giai đoạn 2, đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, rất khó có thể hoàn thiện trong vòng 2 năm thì có thể kéo dài thêm.

Mặc dù quy mô của chương trình phục hồi chưa được tiết lộ, vì chưa được báo cáo với cấp có thẩm quyền và chưa được thông qua, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công cụ để thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế chủ yếu tập trung vào các giải pháp tài khóa, tiền tệ, kết hợp với công cụ khác như huy động sự tham gia của các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp cũng như thu hút sự tham gia của tư nhân theo hình thức đối tác công - tư (PPP).