Ảnh minh họa
Trong báo cáo triển vọng ngành 6 tháng cuối năm của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đơn vị này cho rằng ngành ngân hàng còn rất nhiều động lực để tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
CASA PHÁT HUY TỐI ĐA TÁC DỤNG
Thời gian qua, động lực tăng trưởng là khác nhau giữa các ngân hàng nhưng hầu hết đều cho thấy hướng cải thiện biên NIM đáng kể. Riêng trong nửa đầu năm 2021, NIM (quy theo năm) tăng trên nền thấp nhờ chênh lệch lãi suất cho vay và huy động mở rộng.
Theo các chuyên gia của VDSC, NIM vẫn có thể cao hơn tại một số ngân hàng về phía cuối năm, phụ thuộc vào tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
Cụ thể, trong nửa cuối năm 2021, nhờ tập trung ngân hàng bán lẻ, tỷ lệ thâm nhập bán lẻ được hỗ trợ bởi xu hướng thanh toán không tiền mặt và chuyển đổi số sẽ khiến cuộc đua CASA cạnh tranh hơn về phí, và cải thiện CASA với tốc độ khác nhau giữa các ngân hàng.
Mặt khác, VDSC cho rằng các gói lãi suất hỗ trợ có thể kiềm hãm xu hướng mở rộng của NIM. Dù có đặc tính khó giảm sâu do được neo theo lãi suất dài hạn hơn, các gói tín dụng hỗ trợ đã tác động giảm lãi suất cho vay.
Diễn biến NIM của các ngân hàng niêm yết trong thời gian qua
Tuy nhiên, do chênh lệch kỳ hạn và tái định giá, diễn biến giảm lãi suất ở các ngân hàng thực hiện đã không đồng nhất về mức độ, thời gian và tốc độ tùy thuộc vào cơ cấu danh mục cho vay. Điều này gây áp lực lên NIM và từ đó, ảnh hưởng đến hiệu quả tăng trưởng bảng cân đối.
Lợi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2021 với các gói hỗ trợ mới, nhưng mức độ ảnh hưởng vẫn sẽ phân hóa. Năm 2022, lãi suất cho vay có thể tăng trở lại nếu dịch được kiểm soát tốt hơn.
"Với tăng trưởng tín dụng kì vọng tích cực, NIM có thể sụt giảm nhẹ và bảng cân đối mở rộng thận trọng hơn, thu nhập lãi thuần trong 6 tháng cuối năm dự kiến tăng trưởng chậm hơn nửa đầu năm. Sự khác biệt sẽ ở NIM, khi các ngân hàng có lãi suất cho vay không bị tác động và tỷ lệ CASA cải thiện sẽ hưởng lợi", VDSC đánh giá.
THU NGOÀI LÃI TĂNG MẠNH NHỜ BANCASSURANCE
Hiện tại, kết quả kinh doanh của một số ngân hàng được hỗ trợ nhờ thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh nhờ mảng bancassurance, kinh doanh trái phiếu và thanh toán.
Trong nửa cuối năm 2021, VDSC kỳ vọng thu nhập mảng bancassurance duy trì tốt nhờ quá trình số hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc tư vấn mua bảo hiểm mà không bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thế mạnh và tăng trưởng mảng này phân hóa giữa các ngân hàng và đối tác.
Tăng trưởng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng niêm yết
Cùng với đó, sự thay đổi hành vi khách hàng với xu hướng chuộng giao dịch trực tuyến đi kèm với phí giao dịch cạnh tranh là yếu tố hỗ trợ đối với thu nhập từ mảng dịch vụ.
Nhìn chung, VDSC dự báo thu nhập hoạt động của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, tuy nhiên mức tăng sẽ thấp hơn so với nửa đầu năm khi Ngân hàng Nhà nước trở nên thận trọng trong việc cấp hạn mức tín dụng. Dù vẫn kỳ vọng nới lỏng việc cấp hạn mức, tuy nhiên thời điểm cấp mới hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ có tác động đến tốc độ tăng trưởng bảng cân đối so với cùng kỳ và từ đó, ảnh hưởng đến thu nhập hoạt động hàng quý.
"Tăng trưởng thu nhập ngoài lãi sẽ trở thành động lực chính, duy trì bền vững nhờ các xu hướng ổn định của mảng bancassurance và thanh toán , dư địa tăng trưởng nhờ kinh doanh trái phiếu và tiềm năng thu hồi nợ xấu", theo VDSC.
TÍCH CỰC TIẾT GIẢM CHI PHÍ
Nhóm nghiên cứu tại VDSC cũng chỉ ra rằng, việc cắt giảm lương có tác động tức thì đến tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR), do đó, giúp các ngân hàng đối phó với cú sốc ở NIM. Với các ngân hàng có NIM bị ảnh hưởng, nền chi phí tín dụng cao và cho vay rủi ro lớn, tác động sẽ nặng nề hơn.
Do đó, để tối ưu hóa tăng trưởng bảng cân đối với NIM thấp hơn và chi phí dự phòng cao hơn, quy mô nhân viên được cắt giảm để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Một mặt, VDSC cho rằng rằng phương pháp này là không bền vững, tuy nhiên, sự thay đổi này lại là cần thiết.
"Nếu đại dịch kéo dài, chúng tôi cho rằng những ngân hàng trên có ít dư địa trong nửa sau năm 2021 trong việc tiếp tục cắt chi phí thông qua lương hoặc nhân sự do sẽ có tác động lên quy mô hoạt động", các chuyên gia VDSC nhận định.
CIR và tăng trưởng chi phí nhân viên