Hồ sơ về Saigon Square, nơi "làm giàu" của các hộ bán hàng giả, nhái

Theo cơ quan QLTT, Saigon Square là "điểm nóng" với các vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng giả, nhái các thương hiệu Gucci, LV, Dior… Trung tâm thương mại này thường xuyên bị cơ quan QLTT "đột kích".

Ngày 1/11, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường TPHCM) chia thành 6 tổ công tác kiểm tra đột xuất 6 điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square. Cơ quan chức năng phát hiện hàng nghìn sản phẩm nhái các nhãn hiệu Gucci, Dior, Chanel, LV, Adidas, Nike… và lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phải mất tới hơn một ngày để kiểm đếm.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, thông tin, sáng 3/11, số liệu cụ thể trong vụ truy quét hàng giả, hàng nhái tại Saigon Square đã có. Cơ quan này sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.

Thực trạng tiểu thương vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng hóa giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng tại Saigon Square đã diễn ra từ lâu. Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục tăng cường truy quét, kiểm tra giám sát tại trung tâm thương mại này.

"Điểm nóng" bán hàng dởm, bị liệt vào danh sách kiểm tra theo lộ trình

Saigon Square ra đời từ năm 2000, được ví như "thiên đường mua sắm" cho các tín đồ shopping ở TPHCM với đa dạng lĩnh vực và mặt hàng. Tính đến nay, Saigon Square có 2 cơ sở đều ở quận 1, TPHCM. 

Tuy Saigon Square được coi là tổ hợp mua sắm lớn tại TPHCM, nhưng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai tại trung tâm thương mại này. Tổng cục QLTT đánh giá đây là "điểm nóng" với các vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Hồ sơ về Saigon Square, nơi làm giàu của các hộ bán hàng giả, nhái - 1

Hàng giả, hàng nhái được bán công khai tại Saigon Square (Ảnh: Tổng cục QLTT).

Thậm chí, lực lượng chức năng còn đưa Saigon Square vào trong diện phải kiểm tra, kiểm soát theo lộ trình. Đợt truy quét ngày 1/11 nằm trong kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục QLTT.

Trong lần "đột kích" này, các hộ kinh doanh bị kiểm tra đều có tên tuổi. Không ít tiểu thương nghe thông tin cũng đã thu dọn hàng hóa, đóng cửa hàng và nhanh chóng tháo chạy.

Saigon Square là nơi "làm giàu" của nhiều hộ kinh doanh bởi "siêu lợi nhuận" từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.

Tiểu thương đóng cửa trốn lực lượng quản lý thị trường 

Không phải ngẫu nhiên lãnh đạo Tổng cục QLTT đánh giá Saigon Square là "điểm nóng" khi các hộ kinh doanh ở trung tâm thương mại này có đủ các chiêu trò để đối phó với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế việc kiểm tra.

Thực tế, Saigon Square từng bị lực lượng QLTT "đột kích" nhiều lần. Tuy nhiên sau đó, các hộ kinh doanh có tên tuổi vẫn tiếp tục nhập hàng giả, hàng nhái về bán công khai. Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh từng nhận định Saigon Square và chợ Bến Thành là nơi có số lượng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lớn nhất TPHCM.

Hồi tháng 11/2019, lực lượng QLTT TPHCM đã kiểm tra 30 cơ sở kinh doanh thời trang tại Saigon Square, chợ Bến Thành, phát hiện và thu giữ hàng nghìn mẫu đồng hồ, túi xách, mắt kính nghi là hàng hóa nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Hồ sơ về Saigon Square, nơi làm giàu của các hộ bán hàng giả, nhái - 2

Nghe tin QLTT kiểm tra, không ít tiểu thương tại Saigon Square đóng cửa, tháo chạy (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng).

Đến tháng 1/2020, Đội QLTT số 1 (thuộc Cục QLTT TPHCM) mất 3 ngày để kiểm tra và thu giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, LV, Burberry, Hermes, Chanel tại 14 địa điểm kinh doanh tại Saigon Square và Lucky Plaza.

Các mặt hàng này chủ yếu là kính, túi, ví, giày dép, dây lưng, đồng hồ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính hơn 100 triệu đồng. Trong đợt truy quét này, nhiều tiểu thương đồng loạt đóng cửa gian hàng của mình.

Chỉ 2 tháng sau, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra đột xuất 20 quầy hàng tại Saigon Square và chợ Bến Thành, tạm giữ 1.500 sản phẩm đồng hồ, túi xách, giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, Gucci, Rolex. Tổng giá trị lên đến gần 150 triệu đồng.