Kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu dệt may liệu có lung lay trước lạm phát?

Từ đầu năm đến nay, ngành dệt may vẫn tăng trưởng tốt, nhưng lạm phát và việc Fed tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến sức mua tại 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU. Điều này nhiều khả năng sẽ làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư với cổ phiếu dệt may.
Kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu dệt may liệu có lung lay trước lạm phát?
Kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu dệt may liệu có lung lay trước lạm phát?

Trong báo cáo mới cập nhật về triển vọng ngành dệt may, SSI cho biết trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD (+24% so với cùng kỳ), trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may & sợi lần lượt đạt 14 tỷ USD (+24% so với cùng kỳ) và 2,4 tỷ USD (+ 11% so với cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ đạt 7,6 tỷ USD (+27% so với cùng kỳ, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc).

Bất chấp áp lực lạm phát có thể cản trở nhu cầu may mặc ở các nước phát triển trong trung hạn, hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước đều có đơn đặt hàng sản xuất đến tháng 11/2022, do sự chuyển dịch đơn đặt hàng hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Giá sợi nhập khẩu bình quân tăng 10% so với cùng kỳ trong 5 tháng do giá bông và dầu tăng lên, cùng với chi phí logistic neo ở mức cao.

Theo Sunsirs, giá sợi polyester và sợi bông ở Trung Quốc đều tăng từ 10% -18% so với cùng kỳ. Điều này dẫn đến chi phí vải tăng lên và ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước - đặc biệt là những doanh nghiệp có phần lớn đơn hàng FOB như MSH (May Sông Hồng) và TCM (May Thành Công). Mặc dù chi phí vải tăng lên phù hợp với quan điểm của SSI trước đó nhưng mức độ gián đoạn logistics và giá nhiên liệu tăng lên cao hơn ước tính.

Theo các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý 4) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát. Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt hàng trước 3 tháng. Do đó, SSI ước tính tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Các công ty cũng dự kiến chi phí sợi, vải, logistic và nhân công vẫn neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI). Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ. Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp. Tác động tiêu cực đến doanh thu và biên lợi nhuận có thể xảy ra nếu nền kinh tế Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu dệt may liệu có lung lay trước lạm phát?
 

Chia sẻ tại talkshow Chọn danh mục của Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cho biết, lạm phát và Fed tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến sức mua tại thị trường Mỹ và EU. Đây là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Do đó, ông Thời nhận định mục tiêu xuất khẩu đạt 43 - 44 tỷ USD của ngành dệt may năm nay có thể không hoàn thành, nhưng vẫn tăng trưởng 5% so với cùng năm ngoái (khoảng 41 tỷ USD – PV).

Còn bà Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phân tích (Công ty Chứng khoán Rồng Việt) cho rằng, nhóm doanh nghiệp ngành dệt may vẫn có sự tăng trưởng nhưng có sự co giãn lớn khi người dân thắt chặt chi tiêu trước áp lực lạm phát. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Theo bà Lam, biên lợi nhuận của ngành dệt may thấp hơn so với một số nhóm, ngành khác. Trong xu hướng chung như vậy, doanh nghiệp nào kiểm soát tốt chi phí sẽ có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc so với ngành. Nếu tình hình lạm phát được kiểm soát tốt, sức mua của người tiêu dùng tăng lên, nhóm doanh nghiệp ngành dệt may sẽ có mức tăng trưởng cao.