MSB lộ số tài sản khác dùng để gán nợ gần 4.000 tỷ đồng?

MSB vừa công bố bản Cáo bạch niêm yết của MSB trong tháng 12/2020. Đáng chú ý trong bản Cáo bạch, từ năm 2015 đến nay, MSB đã nhận gán nợ 38 tàu biển, tổng giá trị nhận gán nợ 3.940 tỷ đồng.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa công bố bản Cáo bạch niêm yết của MSB trong tháng 12/2020. Đáng chú ý trong bản Cáo bạch, từ năm 2015 đến nay, MSB đã nhận gán nợ 38 tàu biển, tổng giá trị nhận gán nợ 3.940 tỷ đồng. 

Giấu đầu…

Còn nhớ, trong kết quả kinh doanh quý 2/2020, MSB cho hay, lợi nhuận ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của MSB đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập lãi thuần tăng 66%. Các hoạt động phi tín dụng tăng mạnh, trong đó kinh doanh ngoại hối tăng 108%, mua bán chứng khoán đầu tư tăng 681%. 

Lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 941 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2019, giúp MSB đạt được 65% kế hoạch đề ra. 

Tổng tài sản của MSB tính đến 30/6/2020 đạt 164.864 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Mức tăng này đến từ tài sản chứng khoán đầu tư và cho vay khách hàng. 

 

MSB lộ số tài sản khác dùng để gán nợ gần 4.000 tỷ đồng? 

Cho vay khách hàng của MSB trong 6 tháng tăng trưởng 10,3%. Tỷ lệ thuận với tăng trưởng tín dụng, nợ xấu của MSB cũng tăng 21% so với đầu năm, ghi nhận 1.525 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 1.036 tỷ đồng, tăng 6,8%. Các nhóm nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cũng lần lượt tăng 76% (tương ứng tăng 110 tỷ đồng) và 40% (tương ứng tăng 67 tỷ đồng). 

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ của MSB là 2,2%. Nợ xấu ngoại bảng tại VAMC của MSB cũng đang ghi nhận con số 1.185 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng gần 260 tỷ đồng. Nếu tính gộp cả phần bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu của MSB sẽ là 3,9%. 

Tỷ lệ tài sản có sinh lãi trên tổng tài sản của MSB trong nhiều năm nay luôn ở mức 85% và hầu như không có biến động. Thường tài sản có sinh lãi thường chiếm trên 90% tổng tài sản (SHB: 91%, HDB 94%, Eximbank 95%). 

Đặc biệt, trong tài sản có khác của MSB, mục tài sản nhận gán nợ là 4.369 tỷ đồng. Đây chính là tài sản đảm bảo của khách hàng để vay nợ. Trong đó, những tài sản đảm bảo có giá trị như bất động sản chỉ chiếm một phần nhỏ với 5 tỷ đồng, cổ phiếu là 374 tỷ đồng. Những tài sản khác là 3.990 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, MSB không nói rõ, số tài sản khác để gán nợ gần 4.000 tỷ là những gì. Nhưng con số này nằm trong ngân hàng từ khá lâu và không ngừng tăng lên. Số tài sản này nếu không được thanh lý để thu hồi nợ, sẽ biến thành "tài sản chết", chỉ làm đẹp bảng cân đối tài sản, chứ không mang lại giá trị gì cho ngân hàng. 

Hở đuôi…?

Trong bản Cáo bạch niêm yết của MSB vừa được công bố, từ năm 2015 đến nay, MSB đã nhận gán nợ 38 tàu biển. Trong đó, 1 tàu bị chìm năm 2017, 2 tàu đã được bán vào năm 2018. Hiện, MSB đang "ôm" 35 con tàu được gán nợ và lên kế hoạch "thanh lý" trong vòng 3 năm tới (tính từ năm 2020). Tuy nhiên, MSB không đưa ra thông tin cụ thể về danh sách và trọng tải của số tàu này. Tương tự, vấn đề lỗ hay lãi, MSB vẫn chưa đưa ra đáp án, mà sẽ chờ đến thời điểm bán được ghi nhận. 

 

Tổng giá trị nhận gán nợ đối với 35 con tàu trên tại thời điểm gán nợ là 3.940 tỷ đồng, chiếm 91,23% tổng tài sản gán nợ của MSB tại ngày 30/9/2020. Tính bình quân, mỗi tàu gán nợ trị giá 112,6 tỷ đồng. 

Được biết, trong số tài sản gán nợ của MSB có hơn 20 tàu biển của Công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II (thuộc Ngân hàng Agribank). ALC II đã tuyên bố phá sản, ALC I hiện không có khả năng thanh trả các khoản nợ. 

Thông tin trong bản Cáo bạch cho biết, trong thời gian chờ xử lý thanh lý 35 con tàu gán nợ, MSB vẫn tập trung cho thuê lại tàu để kinh doanh. Cụ thể, MSB cho Công ty Cổ phần Container Phía Nam (Viconship Saigon) thuê 33 tàu. Còn lại 2 con tàu (tàu An Phú 15 và tàu Thành Vân 16) cho Công ty Cổ phần thương mại vận tải Thành Văn thuê. 

Hiện, một số tàu đang được MSB chào bán với giá trên dưới 20 tỷ đồng, ở mức cực thấp so với giá trị nhận gán nợ (bình quân 112 tỷ đồng/tàu). Điều đó một phần cho thấy chất lượng thực tế các tàu biển này là khá thấp. Và việc thanh lý tàu của MSB là khá khó khăn, khi chỉ bán được một tàu trong cả năm 2020. 

Mặt khác, trong trường hợp bán được hết cả lô 34 con tàu trong 3 năm tới, có khả năng MSB cũng chỉ thu về khoảng 700 tỷ đồng, trong khi chỉ riêng giá trị tài sản nhận nợ đã là 3.940 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần giá trị tài sản có thể thu hồi. Nếu tính giá trị thực sự đầu tư, tỷ lệ chênh này chắc chắn còn lớn hơn. 

Đáng chú ý, Cáo bạch của MSB không dự kiến sẽ thu được bao nhiêu tiền từ việc bán cả lô tàu này.