Đây là thông tin mà Đại tá Hoàng Ngọc Bách - Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đưa ra tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức do báo Công an nhân dân tổ chức sáng nay.
Đại tá Hoàng Ngọc Bách cho biết, trong thời gian qua, dịch vụ “tín dụng đen” truyền thống đã có sự chuyển dịch, từ núp bóng dưới hình thức tiệm cầm đồ hoặc doanh nghiệp không có chức năng cho vay qua hình thức trực tuyến qua các ứng dụng (app) cho vay, tạo khó khăn cho công tác kiểm soát do các đối tượng lợi dụng lỗ hổng về pháp lý.
Các app vay tiền online đang bùng nổ tại Việt Nam
Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách, ứng dụng (app) cho vay tín dụng đã xuất hiện trên thế giới từ nhiều năm nay, bắt đầu ở Anh từ khoảng năm 2006, sau đó xuất hiện tiếp ở các nước châu Âu rồi châu Á. Giai đoạn năm 2013-2014, những app cho vay kiểu này nở rộ tại Trung Quốc.
Phần lớn những ứng dụng dạng này hợp pháp, nhưng sau đó vẫn đã nảy sinh một số hành vi có dấu hiệu tín dụng đen tại các nước. Vì vậy, các nước đã ban hành những quy định pháp lý rất chặt chẽ về pháp nhân, về vốn và về quy định cho vay, từ đó giảm thiểu các hành vi liên quan đến tín dụng đen.
Tại Trung Quốc, từ khi Chính phủ nước này siết chặt các quy định pháp lý thì số lượng ứng dụng đã giảm. Một số đối tượng đã chuyển hoạt động sang Việt Nam và một số nước lân cận rồi cấu kết với người bản địa cho vay theo dạng tín dụng đen.
“Tôi cho rằng một yếu tố nguy hiểm ở đây là, với doanh nghiệp nước ngoài, khi khách hàng đăng ký vay, dữ liệu cá nhân của họ có thể được lưu trữ ở nước ngoài, cơ quan chức năng Việt Nam rất khó kiểm soát, khó kiểm tra. Đôi khi thông tin bên cho vay là giả, dữ liệu khách hàng có nguy cơ bị lộ, lọt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ” – Đại tá Hoàng Ngọc Bách nói.
Theo vị này, có hai lý do chính dẫn đến tình trạng bùng nổ các “app” vay tiền hiện nay. Đầu tiên là công tác kiểm định của những nhà sản xuất, quản lý ứng dụng trên nền tảng di động như Android hay IOS chưa thực sự chặt chẽ hoặc không có điều kiện để kiểm tra.
Thứ hai là nhu cầu của một bộ phận người dân, những người có nhu cầu về những khoản tiền nhỏ, dưới 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống, như những người yếu thế, lao động, công nhân hay học sinh, sinh viên.
Về giải pháp hạn chế “tín dụng đen”, Đại tá Hoàng Ngọc Bách đưa ra 3 giải pháp chính: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người yếu thế thường xuyên phải đi vay, như lao động, công nhân, học sinh, sinh viên; Kiện toàn các quy định pháp lý và đẩy mạnh điều kiện tiếp cận các khoản vay chính thống cho người yếu thế có nhu cầu vay; Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng với các ban ngành liên quan để giải quyết vấn đề này.