Phiên giao dịch ngày 5/7/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 5/7/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam – MASVN

Khuyến nghị mua cổ phiếu HAG với giá mục tiêu 12.300 đồng/cp

MASVN phát hành báo cáo lần đầu cho cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Sàn HOSE) với khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 12.300 đồng. Giá mục tiêu được xác định bằng phương pháp P/E với hệ số 11,2x (trung bình ngành) áp dụng trên EPS dự phóng pha loãng trung bình của năm 2022/2023.

Phiên giao dịch ngày 5/7/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý
Khuyến nghị mua cổ phiếu HAG với giá mục tiêu 12.300 đồng/cp. Hình minh họa

HAG báo lãi sau thuế ước tính 431 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2022 nhờ xuất khẩu 65.000 chuối và tiêu thụ khoảng 6.000 tấn thịt lợn. Biên lợi nhuận gộp của mảng chuối ước tính 47,5% và của mảng lợn thịt ước tính vượt 32%. Đây là biên lợi nhuận rất cao trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh do chiến tranh Nga – Ukraina và giá thịt lợn trong nước đi xuống trong nửa đầu năm 2022.

Kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022 của HAG tốt hơn dự kiến do Trung Quốc đẩy mạnh mua chuối Việt Nam khi buộc phải giảm nhập khẩu chuối từ Phillipine và Ecuador trong bối cảnh giá vận chuyển đường biển tăng và cảng Thượng Hải phải đóng cửa do chính sách Zero-covid. Bên cạnh đó, hiệp định RCEP cũng là một xúc tác đặc biệt giúp trái cây xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam vào Trung Quốc tăng trưởng trong dài hạn. Không chỉ vậy, việc sửdụng chuối thải, loại (chiếm 40% tổng sản lượng chuối) để nuôi lợn cũng giúp HAG giữ được biên lợi nhuận cao trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi cùng ngành đang rất khó khăn.

MASVN dự phóng doanh thu hợp nhất 2022 của HAG tăng 101,9% lên 4.234 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hợp nhất tăng 355% lên 924 tỷ đồng. Cơ sở của tăng trưởng doanh thu là sản lượng chuối thương phẩm tiêu thụ đạt 170.000 tấn (nhờ diện tích khai thác trung bình đạt 5.700ha) và sản lượng lợn thịt đạt 18,650 tấn (nhờ thị phần tăng mạnh khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải ngừng nuôi lợn do chi phí quá cao).

Biên lợi nhuận gộp 2022 dự phóng tăng mạnh 14,2 điểm phần trăm so CK nhờ giá chuối dự phóng tăng 12% so cùng kỳ, đồng thời tỉ trọng doanh thu chuối trong doanh thu hợp nhất tăng từ 45% lên 58%. Bên cạnh đó, lỗ tài chính cũng dự phóng giảm 58 tỷ đồng trên cơ sở giả định đợt phát hành riêng lẻ 162 triệu cổ phiếu trong nửa sau 2022 sẽ thành công.

MASVN kỳ vọng HAG tiếp tục đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng ở mức 59% và 21% trong giai đoạn 2023-2024 nhờ sản lượng trái cây, lợn thịt tiếp tục tăng trưởng cao ở mở rộng thị phần ở Trung Quốc và Việt Nam.

Công ty chứng khoán Bản Việt – VCSC

PVT - Triển vọng giá cước và nhu cầu vận chuyển cao hơn

Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HOSE - Mã: PVT) đã công bố kế hoạch năm 2022 với doanh thu 6,5 nghìn tỷ đồng (-11,8% YoY) và LNST là 480 tỷ đồng (-42,7% YoY). Các kế hoạch trong năm 2022 cao hơn 8,3% và 18,8% so với con số kế hoạch năm 2021, cho thấy ban lãnh đạo kỳ vọng về triển vọng phục hồi trong năm 2022. Trong khi đó, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng dự kiến trong năm 2022 của PVT đạt 78,4% và 46,8% dự báo tương ứng cả năm của VCSC, mà VCSC cho rằng là do công ty thận trọng trong việc đưa ra kế hoạch. VCSC lưu ý rằng con số lợi nhuận ròng thực tế của PVT luôn cao hơn gấp đôi so với kế hoạch trong 5 năm qua.

PVT nhận thấy triển vọng nhu cầu vận tải quốc tế cao hơn nhờ khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường biển. Trong khi khối lượng hàng hóa vận chuyển trên thế giới không tăng, xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự thay đổi cơ cấu trong các tuyến đường vận chuyển dầu thô, dầu thành phẩm, hóa chất, LPG và than, từ đó thúc đẩy nhu cầu luân chuyển hàng hóa do khoảng cách vận chuyển dài hơn.

Mức tăng giá cước của tàu chở dầu quốc tế hiện tại sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023 của PVT. Giá cước vận chuyển dầu thô, dầu thành phẩm và hóa chất đã tăng mạnh kể từ tháng 03/2022. Hiện tại, 80% đội tàu chở dầu của PVT đang hoạt động trên các tuyến quốc tế, chiếm 60% tổng doanh thu của PVT. Hầu hết các hợp đồng quốc tế của PVT là hợp đồng thuê chuyến, trong khi một số hợp đồng khác theo phương thức hợp đồng giao ngay được hưởng lợi từ việc tăng giá cước của tàu chở dầu. Tuy nhiên, do giá cước thuê chuyến cũng đang có xu hướng tăng theo giá cước giao ngay, PVT kỳ vọng giá cước cao hơn sẽ hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận của công ty trong các năm 2022 và 2023. Nhìn chung, công ty kỳ vọng giá cước sẽ cao hơn trong giai đoạn 2022-2023 so với năm 2021.

PVT đặt mục tiêu tích cực mở rộng công suất trong năm 2022, trong bối cảnh cân nhắc kỹ lưỡng về điều kiện lãi suất và thị trường. PVT đã đặt ra kế hoạch tích cực mở rộng công suất với việc đầu tư 6 tàu chở dầu cho công ty mẹ và 17 tàu chở dầu mới cho các công ty con. VCSC lưu ý rằng PVT thường lên kế hoạch vốn XDCB đầy tham vọng vào đầu năm để nhận được sự chấp thuận của cổ đông trước và sau đó sẽ thực hiện kế hoạch khi điều kiện thị trường thuận lợi. Trong khi PVT chia sẻ rằng giá tàu chở dầu đã tăng lên kể từ năm 2021 và môi trường lãi suất tăng có thể là một thách thức, công ty vẫn nhìn thấy cơ hội trong mảng tàu chở hóa chất và than, và kỳ vọng có thể mua thành công từ 8 đến 10 tàu trong tổng số 23 tàu mới theo kế hoạch năm 2022.

Vận chuyển LNG là câu chuyện dài hạn. Theo PVT, việc Việt Nam nhập khẩu LNG ngày càng tăng cho thấy tiềm năng dài hạn cho PVT. Tuy nhiên, do giá trị đầu tư cho 1 tàu chở LNG khá cao (150-200 triệu USD cho tàu LNG đóng mới và 80-100 triệu USD cho tàu đã qua sử dụng 10 năm), PVT sẽ xem xét đầu tư theo hợp đồng thuê tàu trần có tùy chọn mua (thuê trước mua sau - thường sau 5 năm) khi nhu cầu vận chuyển LNG ở Việt Nam đủ cao.

BVH - Kế hoạch cổ tức tiền mặt cao kỷ lục

Ban lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) đã cho biết KQKD sơ bộ 6 tháng đầu năm 2022. Trong phần hỏi đáp, ban lãnh đạo chia sẻ rằng, KQKD 6 tháng đầu năm 2022 theo sát với kế hoạch đề ra tại ĐHCĐ khi LNST hợp nhất đạt 805 tỷ đồng (hoàn thành 50,3% kế hoạch kinh doanh) và LNST công ty mẹ là 566 tỷ đồng (hoàn thành 50,1% kế hoạch ĐHCĐ). VCSC ước tính kết quả hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 đã hoàn thành khoảng 31,3% dự báo cả năm của VCSC, thấp hơn kỳ vọng của VCSC.

Theo ban lãnh đạo, công ty mẹ và hầu hết các công ty con đã hoàn thành khoảng 50% kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022 - ngoại trừ Chứng khoán Bảo Việt có lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 hoàn thành khoảng 40% kế hoạch cả năm do tình hình thị trường chứng khoán không thuận lợi trong quý 2/2022. Nhìn chung, kế hoạch kinh doanh của BVH ở cấp độ công ty mẹ là thận trọng, theo quan điểm của VCSC.

BVH công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt cao nhất từ trước đến nay. Cổ đông đã thông qua mức cổ tức 30,261% bằng tiền mặt trên mệnh giá cho năm tài chính 2021, tương đương với 3.026 đồng/cổ phiếu. Theo đề xuất, BVH sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2021 bằng toàn bộ lợi nhuận giữ lại lũy kế sau khi trích lập các quỹ là 2,246 nghìn tỷ đồng để tuân thủ Nghị định 140/2020/NĐ-CP ban hành vào cuối tháng 11/2020 yêu cầu doanh nghiệp có trên 50% vốn điều lệ (hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) do Nhà nước nắm giữ bảo đảm lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ sẽ được chia bằng tiền cho các cổ đông, thành viên góp vốn (không áp dụng quy định này đối với các ngân hàng).

Ban lãnh đạo chia sẻ rằng mặc dù đứng đầu về tổng thị phần phí bảo hiểm gốc, vốn điều lệ của Bảo Việt Nhân thọ đứng thứ tám trong số các công ty bảo hiểm nhân thọ với 6 nghìn tỷ đồng (FWD Việt Nam đứng đầu về vốn điều lệ với 18,5 nghìn tỷ đồng); do đó, việc huy động vốn là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo NĐ 140, tất cả lợi nhuận giữ lại sẽ được trả cho các cổ đông bằng tiền mặt; Ngoài ra, nguồn tăng vốn còn lại hiện đang nắm giữ tại công ty mẹ có thể chuyển sang công ty con là 1,95 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 31/05/2022. Do đó, ban lãnh đạo cho biết sẽ xem xét cổ phần hóa các công ty bảo hiểm con trong giai đoạn 2026-2030 để tăng tính linh hoạt của nguồn vốn. Mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể nào được công bố, nhưng VCSC tin rằng các phương án có thể bao gồm IPO và niêm yết 1 trong 2 hoặc cả 2 công ty con hoặc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược.

Bộ Tài chính hiện sở hữu 65% cổ phần tại BVH và ban lãnh đạo cho biết tỷ lệ sở hữu của Bộ Tài chính sẽ không thay đổi cho đến năm 2025. Ban lãnh đạo có thể xem xét giảm tỷ lệ sở hữu của Bộ Tài chính xuống 51% kể từ năm 2026 bằng cách (1) tăng vốn góp của các cổ đông khác và/hoặc (2) phát hành riêng lẻ. Dòng vốn mới sẽ giúp BVH củng cố vị thế vốn và hỗ trợ các công ty con.

Cổ đông đã thông qua ông Inami Ryota làm Thành viên HĐQT mới thay ông Teruo Shimmen. Cả ông Ryota và ông Shimmen đều là đại diện của cổ đông chiến lược Sumitomo Life của BVH. Do đó, chỉ có một thành viên HĐQT mới được bầu so với kế hoạch trước ĐHCĐ của công ty là 2 thành viên.

CTCP Chứng khoán FPT - FTS

DCM - Giá Urê tăng cao hơn so với giá khí đầu vào giúp cải thiện biên lợi nhuận

Phân tích:

Giá Urê thế giới đã xuất hiện dấu hiệu hạ nhiệt kể từ tháng 4/2022 do nhu cầu ở các khu vực trên thế giới thấp và nguồn cung gia tăng khi Nga đẩy mạnh xuất khẩu. FPTS dự báo giá Urê trong nửa cuối năm 2022 sẽ duy trì ở mức thấp hơn so với nửa đầu năm, trung bình đạt 525 USD/tấn. Tuy nhiên, mức dự phóng này vẫn cao 8,2% so với năm 2021 và hơn 128% so với trung bình giai đoạn 2016 - 2020.

Nhóm phân tích cho rằng, giá Urê tại Việt Nam sẽ diễn biến tương đồng với giá urê thế giới. Đối với CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE - Mã: DCM), FPTS dự phóng giá Urê năm 2022 đạt 13.500 đồng/kg, tăng 53,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá khí đầu vào năm 2022 được ước tính tăng 43,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng giá urê đầu ra, giúp biên lợi nhuận gộp của DCM năm 2022 dự kiến tăng 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ, lên 31,9%.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.