Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền khắc phục những bất cập, hạn chế

Dù đã tạo được những bước tiến đáng kể về hành lang pháp lý, tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền hiện nay là rất cần thiết nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 18/11/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc đề nghị xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) là vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục lấy ý kiến các đối tượng liên quan và tham khảo kinh nghiệm, pháp luật của các nước; hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống rửa tiền, góp phần phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực, thất thoát tài sản.

Được ban hành ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ năm 2013, trải qua hơn 8 năm thi hành, Luật Phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam đã tạo ra những bước tiến đáng kể về hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, trước những thay đổi hiện nay, một số quy định của Luật đã cho thấy những bất cập, hạn chế trong thi hành, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền.

Trong đó, những bất cập, hạn chế có thể kể đến như: quy định về đối tượng báo cáo tại Luật Phòng, chống rửa tiền chưa theo kịp sự phát triển trong các hoạt động của các tổ chức tài chính và phi tài chính trên thực tế; không có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền cấp độ quốc gia, ngành, tại từng tổ chức và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động thanh tra, giám sát phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro giữa các bộ, ngành…

Thực tế, Việt Nam hiện nay đang trong quá trình phát triển, hội nhập, nhiều nguồn vốn được đổ vào nước ta thông qua các kênh đầu tư, vì vậy, nguyên nhân tiềm ẩn tội phạm tài chính trong và ngoài lãnh thổ là vô cùng lớn, bất cứ lúc nào, các đối tượng rửa tiền trên cả thế giới và ở Việt Nam đều có thể để đưa nguồn vốn vào lưu chuyển trong xã hội bằng cách “rửa sạch” thông qua việc gửi vào các ngân hàng uy tín để nghiễm nhiên có được số tiền sạch và sau đó rút ra dưới cái “vỏ bọc” nhà đầu tư.

Tại cuộc họp thẩm định dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền mới đây tại Hà Nội, nhiều ý kiến lưu ý, Việt Nam chưa phát hiện tội phạm rửa tiền không có nghĩa là Việt Nam không có tội phạm rửa tiền. Đặc biệt, nhìn vào kết quả kiểm tra, rà soát việc xây dựng, ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, luật sư, kế toán, công chứng cho thấy nhận định này không phải là không có cơ sở.

Khi lĩnh vực ngân hàng đến nay mới có 89 trong tổng số 98 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; có 24 trong tổng số 27 công ty tài chính, có 13 công ty cho thuê tài chính đã gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên mới có khoảng 70% đơn vị trong số đó gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, mới có 13 trong tổng số 18 đơn vị gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền và hơn 60% đơn vị trong số này gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Ẩn số nhất và cũng nhạy cảm nhất là lĩnh vực chứng khoán, tính đến nay mới có 49 trong tổng số 83 đơn vị gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền và chỉ có 30% đơn vị đã gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Là lĩnh vực nhạy cảm không kém nhưng ngành nghề bất động sản hiện mới có 6 đơn vị gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền, có 4 sàn giao dịch bất động sản và 9 sở xây dựng đã gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) mới đây, đã đưa các vấn đề liên quan đến mở rộng phạm vi loại hình đối tượng báo cáo trong công tác phòng chống tham nhũng; bổ sung các quy định về định kỳ đánh giá rủi ro về rửa tiền quốc gia, ngành; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong phòng, chống rửa tiền… vào Dự thảo.

Bên cạnh cạnh đó, lĩnh vực được xem là có nguy cơ rửa tiền cao nhất là trò chơi có thưởng và casino đến nay đã có 34 trong tổng số 44 đơn vị đã gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền và 8% đơn vị đã gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Đáng nói, lĩnh vực luật sư, kiểm toán, công chứng đến nay chưa có một đơn vị nào gửi quy định nội bộ, báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền về Cục Phòng chống rửa tiền.

Trước những thực trạng đã nêu, việc cần phải có những giải pháp phòng chống rửa tiền để minh bạch thị trường tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả đấu tranh Phòng chống tham nhũng là vô cùng bức thiết.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển từng khẳng định, việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế nội tại trong các quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm sự phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, qua đó nâng cao công tác phòng, chống rửa tiền trong thời gian tới.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển, Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi 34/50 điều, bổ sung rất nhiều chính sách lớn góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Một số chuyên gia đánh giá, việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền lần này là rất cần thiết trong việc khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay, trong đó, việc đưa các sản phẩm, dịch vụ mới như trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo vào diện báo cáo… góp phần quan trọng cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.